Thuế là một thuật ngữ chỉ khoản đóng góp mang tính chất bắt buộc từ các cá nhân, tổ chức cho Nhà nước, trong thời hạn và mức độ khác nhau. Tuy được sử dụng khá phổ biến nhưng không phải ai cũng biết cụ thể thuế là gì, cũng như vai trò, đặc điểm và các loại thuế có mặt trên thị trường hiện nay. Bài viết dưới đây của Thuế Quang Huy sẽ giúp bạn giải đáp thuế là gì?.
1. Thuế là gì?
Thuế được định nghĩa là khoản thu không hoàn trả của ngân sách nhà nước, không mang tính đối giá và do cơ quan nhà nước quy định. Thuế có thể được thu dưới hình thức tiền mặt hoặc vật có giá trị tương đương.
Thuế là khoản thu của nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoặc sở hữu tài sản được pháp luật xác định là đối tượng chịu thuế nên mối quan hệ thu nộp này không mang tính đối giá.
2. Thuế đóng vai trò gì?
Thuế được coi là một nguồn thu chính đối với ngân sách nhà nước, đóng vai trò quan trọng như sau:
- Thuế tăng thu nhập ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến an sinh và phúc lợi xã hội của các đối tượng theo chính sách. Ngoài ra, thuế còn được sử dụng để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ cho nhân dân.
- Thuế hỗ trợ cân bằng khoảng cách giàu nghèo, giảm thiểu tình trạng phân biệt tầng lớp trong xã hội hiện nay. Bởi những người càng phải nộp nhiều loại thuế thì càng có mức thu nhập cao hơn mức thuế phải chịu theo quy định pháp luật.
- Chi trả thuế là hành đồng giúp tăng trưởng sự phát triển của xã hội và kinh tế, thúc đẩy nguồn nhân lực, gia tăng hiệu suất làm việc, đảm bảo xã hội được công bằng…
- Ngoài ra, việc đóng thuế cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải kê khai và xác nhận đầy đủ các khoản thu nhập. Nguồn thu nhập là hợp pháp nên cũng đảm bảo hơn về sự công bằng và minh bạch.
3. Đặc điểm của thuế
3.1 Thuế là khoản thu bắt buộc vào ngân sách Nhà nước
Đặc điểm cơ bản nhất của thuế là tính bắt buộc, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng phải nộp thuế. Cần phân biệt thuế với các hình thức huy động tài chính khác của Nhà nước hiện nay.
Thuế là khoản thu bắt buộc bởi vì người nộp thuế dù có muốn hay không, khi đủ điều kiện thì đều phải nộp thuế cho nhà nước dưới các hình thức phù hợp.
Ngoài ra, tính chất bắt buộc của thuế còn được thể hiện ở chỗ khoản tiền này được thu bởi cơ quan có thẩm quyền đại diện cho nhà nước. Các cơ quan quản lý thuế phải thực hiện nghĩa vụ thu thuế đúng, đủ và đảm bảo sự công bằng.
3.2 Thuế thể hiện quyền lực nhà nước
90% ngân sách nhà nước chính là từ thuế. Nếu không có khoản thu này, nhà nước sẽ không có đủ tiềm lực kinh tế để duy trì hoạt động hay thực hiện đúng chức năng của mình.
Chính vì vậy, việc thu thuế phải được đảm bảo chính xác bởi hệ thống cơ quan quyền lực như tổng cục thuế và các cơ quan thuế tại địa phương. Các cá nhân không thực hiện đúng nghĩa vụ có thể bị tra cứu trách nhiệm hình sự.
3.3 Thuế không hoàn trả trực tiếp và không mang tính đối giá
Các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện nộp thuế theo pháp luật, dù có nhận được bất cứ lợi ích nào hay không thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, Thế được nộp vào ngân sách nhà nước và không được hoàn trả trực tiếp.
Nhà nước sẽ sử dụng khoản thu này để chi tiêu cho mục đích phục vụ cộng đồng, trong đó có người nộp thuế.
3.4 Thuế là khoản nộp có tính chất vĩnh viễn
Nộp thuế cho nhà nước là nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện, khác với việc cho nhà nước vay tiền nên sẽ không được hoàn trả. Thuế được nhà nước sử dụng để phục vụ các vấn đề liên quan đến an sinh, xã hội.
4. Phân loại thuế
4.1 Thuế trực thu
Thuế trực thu là loại thuế được nhà nước thu trực tiếp từ khoản thu nhập của thể nhân hoặc pháp nhân.
Tính chất:
- Người nộp thuế theo quy định của pháp luật cũng chính là đối tượng chịu thuế
- Thuế trực thu đóng vai trò động viên và điều tiết thu nhập của người chịu thuế.
Các loại thuế trực thu tại Việt Nam bao gồm:
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
- Thuế chuyển quyền sử dụng đất
- Thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao (TNCN)
Đặc điểm:
- Thuế trực thu công bằng hơn thuế gián thu, bởi khoản thu này được quyết định dựa trên khả năng của từng cá nhân và tổ chức, có tính phân loại theo từng đối tượng.
- Thuế trực thu là nguồn thu chính tại các nước phát triển, ít tác động đến giá cả thị trường bởi loại thuế này tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hạn chế:
- Không thúc đẩy thu nhập của các đối tượng vì thu nhập càng cao thì mức thuế phải đóng càng nhiều.
- Thuế trực thu bắt buộc người có thu nhập phải trả trực tiếp nên có thể tạo ra gánh nặng và áp lực, điều này dẫn đến tình trạng từ chối nộp thuế hoặc trốn thuế.
- Tổ chức thu thuế trực thu phức tạp và có chi phí cao hơn.
4.2 Thuế gián thu
Thuế gián thu là loại thuế được nhà nước thu thông qua việc thu thuế của người kinh doanh, sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Thuế gián thu động viên một phần thu nhập của người tiêu dùng và sử dụng dịch vụ, hàng hóa.
Tính chất:
- Đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế không giống nhau.
- Thuế gián thu là yếu tố quan trọng tạo nên giá cả của dịch vụ và hàng hóa, do người làm chủ kinh doanh, sản xuất phải nộp cho nhà nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng mới chính là đối tượng chịu thuế.
Các loại thuế gián thu tại Việt Nam:
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
- Thuế xuất nhập khẩu
Đặc điểm:
- Thuế gián thu tác động trực tiếp lên hàng hóa, dịch vụ, không ảnh hưởng nhiều đến giá cả thị trường và các hoạt động kinh doanh.
- Giảm áp lực nộp thuế cho người có thu nhập.
- Nguồn thu chính của các nước đang phát triển.
- Việc thu thuế và quản lý thuế gián tiếp đơn giản hơn so với thuế trực thu, được quản lý và chịu trách nhiệm bởi cơ quan thuế.
- Số thuế cần nộp tương đương với số sản phẩm, dịch vụ và hàng hóa kinh doanh.
Hạn chế: Không đảm bảo được sự công bằng do những người có mức thu nhập khác nhau nhưng phải chịu cùng một mức thuế cho một loại hàng hóa, dịch vụ.
4.3 Phân loại thuế theo tính chất hành chính
- Thuế quốc gia (nhà nước): Nộp vào ngân sách nhà nước
- Thuế địa phương: Nộp vào ngân sách địa phương
Phân loại thuế theo tính chất hành chính được sử dụng trong lĩnh vực kế toán quốc gia, dựa vào cách tổ chức, quản lý thu và cấp ngân sách thụ hưởng.
4.4 Phân loại thuế theo tính chất kinh tế
- Dựa vào yếu tố kinh tế: Thuế được chia thành các loại thuế đánh vào tài sản tiêu dùng như thuế đánh vào tài sản, thuế đánh vào thu nhập, thuế đánh vào doanh nghiệp…
- Dựa vào phân chia lĩnh vực kinh tế: Thuế được chia thành thuế đánh vào bất động sản, thuế đánh vào bảo hiểm, thuế đánh vào tiết kiệm…
- Dựa vào tác nhân kinh tế: Thuế được chia thành thuế đánh vào doanh nghiệp như thuế môn bài, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế đánh vào hàng hóa, sản phẩm, thuế đánh vào hộ gia đình, lệ phí môn bài và các loại thuế khác…
5. Những loại thuế ở Việt Nam ngày nay
5.1. Thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế mà doanh nghiệp sẽ nộp thay cho người lao động, tính theo tháng, sau đó kê khai theo tháng hoặc quý và quyết toán và cuối năm. Chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ thời điểm kết thúc năm tính thuế, doanh nghiệp bắt buộc phải quyết toán thuế TNCN dù có hay không phát sinh khấu trừ thuế trong năm và quyết toán thuế thay cho các cá nhân được ủy quyền.
Công thức tính thuế TNCN như sau:
Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân | = | Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân | – | Các khoản giảm trừ |
Các thông tin chi tiết về thuế TNCN được quy định tại Điều 22 và 23 Luật Thuế TNCN 2007, sửa đổi và bổ sung 2012, 2014.
5.2. Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế phát sinh từ quá trình sản xuất đến lưu thông và tiêu dùng, dựa trên giá trị gia tăng của dịch vụ và hàng hóa.
Thuế GTGT của các doanh nghiệp có thể tính như sau:
Mức thuế GTGT phải nộp = Giá thuế của hàng hóa, dịch vụ bán ra x Thuế suất thuế GTGT – Mức thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Dựa trên công thức này, thuế suất thuế GTGT lần lượt là 0%, 5% và 10% đối với từng loại hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh. Chi tiết về mức thuế suất thuế GTGT được quy định ở điều 8 Luật Thuế GTGT 2008, khoản 3 Điều 1 Luật Thuế GTGT sửa đổi 2013 và khoản 2,3 điều 3 Luật Sửa đổi các Luật về thuế năm 2014.
Công thức tính thuế GTGT trực tiếp:
Thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu | x | Tỷ lệ % tính thuế GTGT |
Doanh thu trong công thức được tính bằng tổng số tiền kinh doanh hàng hóa và dịch vụ được ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT, bao gồm cả phụ thu, phí thu thêm mà công ty được hưởng.
Căn cứ theo Thông tư 219/2013/TT-BTC, tỷ lệ % tính thuế GTGT được quy định như sau với các ngành nghề cụ thể:
- Lĩnh vực phân phối và cung cấp hàng hóa: 1%
- Xây dựng không bao gồm nguyên vật liệu, ngành dịch vụ: 5%
- Sản xuất, vận tải và các dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng bao gồm nguyên vật liệu: 3%
- Các hoạt động kinh doanh khác: 2%
5.3. Thuế tiêu thụ đặc biệt
Căn cứ theo quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2016 và Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được áp dụng cho các công ty kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nằm trong nhóm đối tượng chịu thuế.
Thuế tiêu thụ đặc biệt được tính dựa trên thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ, hàng hóa chịu thuế và giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Công thức tính mức thuế tiêu thụ đặc biệt:
Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp | = | Thuế suất tiêu thụ đặc biệt | x | Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt |
5.4. Thuế thu nhập doanh nghiệp
Mức thuế TNDN phải nộp = (Doanh thu – Phần thu nhập được miễn thuế) – (Các khoản lỗ được kết chuyển từ năm trước) x Thuế suất
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính dựa trên thu nhập tính thuế và thuế suất theo quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC như sau:
Lĩnh vực kinh doanh | Thuế suất thuế TNDN |
Thăm dò, tìm kiếm, khai thác dầu khí | 32% – 50% |
Thăm dò, tìm kiếm và khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm (vàng, bạc, bạch kim, thiếc, vonfram, antimon, đá quý và đất hiếm, trừ dầu khí) | 50% |
Trường hợp tài nguyên quý hiếm chiếm 70% diện tích được giao trở lên ở các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thuộc danh mục địa bàn được hưởng ưu đãi thuế TNDN | 40% |
Các lĩnh vực khác (với cả mức doanh thu <20 tỷ và > 20 tỷ) | 20% |
Bên cạnh các lĩnh vực kinh doanh trong bảng, các doanh nghiệp nằm trong nhóm đặc biệt kinh doanh những ngành nghề được khuyến khích để phát triển doanh nghiệp đặt tại địa bàn khó khăn sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Mức thuế TNDN của các doanh nghiệp này có thể là 10%, miễn phí thuế hoặc giảm 50% mức thuế TNDN phải đóng. Thông tin cụ thể về nhóm doanh nghiệp đặc biệt được hưởng ưu đãi về thuế được quy định tại 78/2014/TT-BTC và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung năm 2013.
5.5. Thuế sử dụng đất
Thuế sử dụng đất được áp dụng với các chủ thể sử dụng đất. Khi nhà nước đã giao đất cho người sử dụng thì đối tượng này phải có nghĩa vụ nộp tiền thuế đầy đủ.
5.6. Thuế xuất nhập khẩu
Thuế xuất nhập khẩu chỉ áp dụng với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Tùy theo từng mặt hàng mà sẽ có cách tính thuế khác nhau.
Với các loại hàng hóa áp dụng thuế suất %:
Thuế xuất nhập khẩu | = | SL đơn vị từng mặt hàng thực tế xuất nhập khẩu | x | Giá tính thuế | x | Thuế suất |
Chi tiết về mức thuế suất có thể xem tại Tổng cục Hải quan.
5.7. Thuế tài nguyên
Thuế tài nguyên chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động khai thác tài nguyên, theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên năm 2009 có sửa đổi và bổ sung.
Công thức tính thuế tài nguyên cụ thể:
Thuế tài nguyên | = | SL đơn vị từng mặt hàng thực tế | x | Giá tính thuế | x | Thuế suất |
Biểu thuế suất thuế tài nguyên có thể xem chi tiết tại Nghị quyết 12/2013/UBTVQH13
5.8. Thuế bảo vệ môi trường
Thuế bảo vệ môi trường là một loại thuế gián thu, đánh vào các loại hàng hóa, dịch vụ nếu sử dụng sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường được tính cụ thể như sau:
Thuế bảo vệ môi trường | = | Số lượng hàng hóa tính thuế | x | Mức thuế tuyệt đối trên một đơn vị hàng hóa |
5.9. Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là loại thuế mà doanh nghiệp nộp từ đầu năm vào quỹ ngân sách nhà nước, với mục đích nắm bắt đồng thời thống kê về các doanh nghiệp, công ty hợp tác xã và hộ kinh doanh…
5.10. Lệ phí trước bạ
Lệ phí trước bạ chỉ áp dụng cho trường hợp thực hiện sang tên, đăng ký quyền sở hữu, chuyển nhượng quyền sở hữu đất đai, xe cộ hoặc tài sản. Khoản thu này được tính dựa trên giá trị của tài sản quy định.
6. Tổng hợp những thuật ngữ cần biết trong thuế
- Thanh tra thuế: Hay kiểm tra thuế là hoạt động kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp, tổ chức trên cơ sở là các quy định của pháp luật.
- Đăng ký thuế: Các đối tượng cần phải đăng ký thuế và được cấp mã số thuế được quy định tại Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019, Điều 6 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Thông tư 105/2020/TT-BTC.
- Khấu trừ thuế: Đây là thuật ngữ thường xuyên được sử dụng trong nghiệp vụ kế toán.
- Thuế suất: Được hiểu là mức thuế cần phải nộp trên đơn vị giá trị của mức thuế phải đóng đối với một đối tượng chịu thuế. Thuế suất được chia ra làm 2 loại.
- Báo cáo thuế: Làm báo cáo thuế là nhiệm vụ của bộ phận kế toán công ty, phải thực hiện trong thời gian nhất định.
- Thuế phụ thu surcharge: Là loại thuế phải đóng khi thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu quốc tế.
Các thuật ngữ về thuế cần biết
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản cần biết liên quan đến thuế là gì và các loại thuế phổ biến trên thị trường hiện nay. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì, hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm về cách đóng thuế, đừng quên liên hệ với Thuế Quang Huy để được tư vấn đầy đủ. Thuế Quang Huy là đơn vị tư vấn pháp lý uy tín nhất hiện nay với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực.