Cũng giống như các loại thuế khác, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản thu nộp vào ngân sách nhà nước bắt buộc. Thuế thu nhập cá nhân còn là thuật ngữ phổ biến với mỗi người lao động, bởi nó đánh vào chính thu nhập của người lao động.
Vậy thuế thu nhập cá nhân là gì và ý nghĩa của việc đóng thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Hãy cùng Thuế Quang Huy tìm hiểu chi tiết ở nội dung dưới đây nhé.
Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Trước khi tìm hiểu về thuế TNCN là gì, chúng ta cần xác định thu nhập cá nhân là gì? Trong kinh tế, đây là thuật ngữ để xác định tất cả các khoản thu nhập của người lao động trong một thời gian từ tiền lương, tiền công, đầu tư và các khoản khác.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một loại thuế quen thuộc với người lao động. Hiện nay, có nhiều văn quy phạm pháp luật điều chỉnh loại thuế này sao cho phù hợp, thế nhưng các văn bản này không định nghĩa chính xác thế nào là thuế thu nhập cá nhân.
Có thể hiểu, thuế TNCN là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào người lao động có thu nhập cao. Ngoài ra, theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân thì thuế TNCN là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc với các cá nhân có thu nhập tính thuế TNCN căn cứ trên quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Mục đích của thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và với hệ thống thuế tại Việt Nam.
Đối với nền kinh tế xã hội
- Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước: Thuế TNCN có tỷ lệ thuận với thu nhập bình quân đầu người cũng như gia tăng nhanh chóng khi nền kinh tế của một đất nước ngày càng phát triển vượt bậc. Ngoài ra, việc thực hiện tự do hóa nền kinh tế thương mại khiến nguồn thu qua các loại thuế xuất – nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Do đó, thuế TNCN được xem là nguồn thu quan trọng với ngân sách nhà nước.
- Góp phần thực hiện công bằng xã hội: Thuế TNCN điều tiết bằng cách giảm thu nhập các người lao động có thu nhập cao và phân phối ngược lại các đối tượng có thu nhập thấp hơn thông qua các chính sách uư đãi hoặc miễn giảm. Qua đó, thuế thu nhập cá nhân giúp giảm khoảng cách chênh lệch của giàu nghèo rõ rệt hơn.
- Điều tiết vĩ mô nền kinh tế: Ngoài điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thuế TNCN còn giúp kích thích đầu tư và tiết kiệm bởi các chính sách miễn giảm, ưu đãi để người lao động có định hướng hơn trong tiêu dùng và đầu tư.
- Phát hiện thu nhập bất hợp pháp: Ngày nay, có nhiều khoản thu nhập xuất phát từ các nguồn bất hợp pháp như: tham ô, kinh doanh hàng cấm, trốm thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ,… Do đó, thuế TNCN có vai trò trong việc phát hiện các hành vi sai trái, không tuân thủ quy định pháp luật.
Đối với hệ thống thuế
Ý nghĩa của việc đóng thuế thu nhập cá nhân không chỉ góp phần phát triển nền kinh tế mà còn giải quyết được một số vấn đề tồn đọng của hệ thống thuế, bao gồm:
- Khắc phục hạn chế của những loại thuế khác: Tính luỹ thoái là hạn chế của các loại thuế như thuế GTGT, thuế tiêu dùng. Bởi các loại thuế này ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo nhiều hơn khi tiêu thụ cùng lượng hàng hóa. Do đó, thuế TNCN được tính theo phương pháp luỹ tiến từng phần (áp dụng với cá nhân luỹ tiến) sẽ đảm bảo sự công bằng của hệ thống thuế.
- Hạn chế sự thất thu của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Thuế TNCN và thuế TNDN có mối quan hệ mật thiết với nhau nên trong trường hợp kê khai cao hơn so với thực tế chi phí phải trả cho nhân viên thì các cá nhân được kê khai tăng thêm cần phải nộp thuế TNCN với khoản phát sinh. Vì thế, thuế TNCN sẽ góp phần khắc phục được các hạn chế thất thu về thuế TNDN.
Tại sao phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Đóng thuế TNCN được coi như một nghĩa vụ của công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Khi phải đóng thuế thu nhập cá nhân tức là người lao động đang có mức thu nhập thực tế cao hơn mức thu nhập khởi điểm mà nhà nước yêu cầu chịu thuế TNCN.
Do đó, dù đã có trừ đi khoản miễn thuế, giảm trừ gia cảnh thì người nộp thuế vẫn có khả năng nuôi sống bản thân. Đồng thời, đóng thuế TNCN còn góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, xoá bỏ khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và đảm bảo người dân có cuộc sống đầy đủ qua các chính sách phúc lợi.
Đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ vào quy định tại Điều 2 của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, đối tượng nộp thuế bao gồm:
(1) Đối tượng đóng thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh bên trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có nguồn thu nhập chịu thuế được phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
(2) Cá nhân cư trú phải đáp ứng được một trong các điều kiện dưới đây:
-
- Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên, được tính trong năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Theo đó, ngày đi và ngày đến sẽ được tính là 01 ngày;
- Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam: gồm nơi ở đã đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam dựa trên hợp đồng thuê có thời hạn.
(3) Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại mục (2).
Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
Dựa vào Điều 3 của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (đã được sửa đổi, bổ sung 2014) quy định rằng thu nhập chịu thuế TNCN sẽ bao gồm các loại thu nhập dưới đây (trừ thu nhập được miễn thuế được quy định tại mục 4):
(1) Thu nhập từ kinh doanh:
- Hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
- Hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép/chứng chỉ hành nghề dựa trên quy định của pháp luật;
Tuy nhiên, thu nhập từ kinh doanh đã được quy định tại khoản này sẽ không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100.000.000 đồng/năm trở xuống.
(2) Thu nhập phát sinh từ tiền lương, tiền công:
- Tiền lương, tiền công và các khoản khác mang tính chất tiền lương, tiền công;
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp. Trừ những khoản như phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật như: ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, phụ cấp độc hại, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp hưu trí một lần;
(3) Thu nhập từ đầu tư vốn: Tiền lãi cho vay; lợi tức cổ phần; thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình khác (trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ).
(4) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn: Chuyển nhượng phần vốn trong những tổ chức kinh tế; chuyển nhượng chứng khoán; chuyển nhượng vốn với các hình thức khác.
(5) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản:
- Chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất;
- Chuyển nhượng quyền sở hữu hay sử dụng nhà ở;
- Chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;
- Khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản theo mọi hình thức;
(6) Thu nhập từ trúng thưởng: Xổ số; các hình thức khuyến mại; hình thức cá cược; các trò chơi, cuộc thi có thưởng và những hình thức trúng thưởng khác.
(7) Thu nhập từ bản quyền: Chuyển giao; chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ.
(8) Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
(9) Thu nhập từ nhận thừa kế:
- Chứng khoán;
- Phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản;
- Tài sản khác phải được đăng ký sở hữu hay đăng ký sử dụng;
(10) Thu nhập từ nhận quà tặng:
- Chứng khoán;
- Phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản;
- Tài sản khác đã được đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng;
Thu nhập miễn thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ ở Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (đã sửa đổi 20140 thì những loại thu nhập sau đây sẽ được miễn thuế TNCN:
- Thu nhập được phát sinh từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ chồng; cha/mẹ đẻ và con đẻ; cha/mẹ nuôi và con nuôi; cha/mẹ chồng và con dâu; cha/mẹ vợ với con rể; ông/bà nội với cháu nội; ông/bà ngoại với cháu ngoại; các anh, chị, em ruột với nhau;
- Thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản được gắn liền với đất ở của cá nhân và chỉ được tính khi cá nhân sở hữu một nhà/đất ở duy nhất;
- Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất mà Nhà nước đã chuyển giao cho cá nhân;
- Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản;
- Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng, làm muối, đánh bắt thuỷ sản chưa qua công đoạn chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ trải qua bước sơ chế thông thường;
- Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao để sản xuất;
- Thu nhập đến từ lãi tiền gửi ở những tổ chức tín dụng hoặc lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
- Thu nhập từ kiều hối;
- Phần chênh lệch tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật;
- Khoản thu nhập từ tiền lương hưu được Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả hoặc tiền lương hưu được chi trả hàng tháng bởi Quỹ hưu trí tự nguyện;
- Thu nhập phát sinh từ việc được bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ; tiền bồi thường do tai nạn lao động; khoản bồi thường của nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật;
- Thu nhập nhận từ quỹ từ thiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận hoạt động vì các mục đích như: từ thiện, nhân đạo và không nhằm mục đích lợi nhuận;
- Thu nhập đến từ nguồn viện trợ nước ngoài nhằm mục đích từ thiện, nhân đạo dưới bởi nhiều hình thức chính phủ và phi chính phủ cũng như đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam, đang làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hay các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế;
- Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, có quyền được sử dụng và làm việc trên tàu với nhiều hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp nhằm phục vụ hoạt động khai thác hay đánh bắt thủy sản xa bờ.
Các câu hỏi liên quan đến thuế thu nhập cá nhân thường gặp
Có bao nhiêu cách tính thuế thu nhập cá nhân phổ biến?
Thuế TNCN là loại thuế trực thu được tính theo tháng, tuy nhiên người nộp thuế có thể lựa chọn kê khai theo tháng hoặc theo quý và phải quyết toán theo năm. Hiện nay, dựa trên đối tượng đóng thuế TNCN mà có 3 cách tính thuế phổ biến như sau:
- Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên: Tính thuế TNCN dựa trên biểu thuế lũy tiến từng phần;
- Cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng: Tính thuế TNCN bằng cách khấu trừ 10%;
- Cá nhân không cư trú (hoặc là người nước ngoài): Tính thuế TNCN bằng cách khấu trừ 20%;
Khi nào tính thuế thu nhập cá nhân?
Dựa vào Điều 11 của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 đã được sửa đổi, bổ sung thì thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính vào thời điểm mà cá nhân/tổ chức chi trả thu nhập.
Ai phải đóng thuế thu nhập cá nhân?
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mọi người đều có thể là cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú, tuy nhiên không phải ai cũng thuộc dện đóng thuế thu nhập cá nhân.
Đối tượng nộp thuế phải là những người có thu nhập tính thuế thì cần phải nộp thuế TNCN, trừ thu nhập từ bất động sản và thu nhập từ kinh doanh (bởi hai loại thu nhập này có điều kiện riêng). Cụ thể như:
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công;
- Thu nhập từ hoạt động kinh doanh;
- Thu nhập từ đầu tư vốn;
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;
- Thu nhập từ trúng thưởng;
- Thu nhập từ bản quyền;
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại;
- Thu nhập từ nhận thừa kế;
- Thu nhập từ việc nhận quà tặng;
- Thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng bất động sản;
Thuế thu nhập cá nhân có được hoàn lại không?
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì thuế TNCN sẽ được hoàn lại nếu người nộp thuế đáp ứng được một trong cách trường hợp sau:
- Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp trong năm tính thuế;
- Người nộp thuế đã nộp tiền thuế TNCN nhưng thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;
- Các trường hợp khác dựa trên các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Trên đây là những thông tin cơ bản về thuế thu nhập cá nhân là gì và mục đích của thuế thu nhập cá nhân trong nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm rõ về các thông tin thuế TNCN giúp cá nhân hoặc tổ chức dễ dàng đáp ứng được việc nộp thuế TNCN dựa trên các quy định của pháp luật.
Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc cần tư vấn về dịch vụ quyết toán thuế TNCN thì đừng ngần ngại liên hệ với hotline của Thuế Quang Huy: 0917.371.518 – 0286.2553.948 để được hỗ trợ nhé!