Khi thực hiện chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần thì có phải nộp thuế không? Cách tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần thế nào? Thực hiện kê khai thuế TNCN khi phát sinh thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần thế nào là đúng quy định?
Trong bài viết này, Thuế Quang Huy sẽ hướng dẫn chi tiết các quy định về thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần nhé.
Cổ phần là gì?
Căn cứ vào quy định ở Điều 110 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (ngày nay áp dụng là Luật Doanh nghiệp năm 2020) thì cổ phần là phần vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau trong công ty cổ phần (CTCP).
Cổ đông là người nắm giữ cổ phần trong CTCP. Cổ đông có thể cá nhân hoặc tổ chức. Đồng thời, số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không bị hạn chế số lượng tối đa. Các cổ đông được phép tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cá nhân/tổ chức khác, ngoại trừ một số trường hợp ở Khoản 3, Điều 119 và Khoản 1, Điều 126 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Chuyển nhượng cổ phần có phải nộp thuế không?
Khoản thu nhập được phát sinh từ việc cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong công ty cổ phần cho người khác. Hình thức chuyển nhượng cổ phần có thể được thực hiện thông qua sàn giao dịch chứng khoán hoặc giao dịch trực tiếp giữa các cổ đông trong CTCP.
Quy định ở Khoản 1, Điều 6 của Luật Chứng khoán 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3, Điều 1 của Luật Chứng Khoán sửa đổi năm 2010), nay đã áp dụng Luật Chứng Khoán năm 2019 số 54/2019/QH14 thì:
- Chứng khoán là bằng chứng dùng để xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân sở hữu tài sản hay phần vốn tại tổ chức phát hành. Chứng khoán có thể được thể hiện ở mọi hình thức chứng chỉ, dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
- Trong đó, quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai,… được xem là chuyển nhượng chứng khoán.
Vì vậy, khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần cũng giống như chuyển nhượng chứng khoán và phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế TNCN.
Cách tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần
Xác định thu nhập tính thuế TNCN
Giá chuyển nhượng theo từng lần phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần là thu nhập tính thuế TNCN. Đồng thời, giá chuyển nhượng sẽ được xác định dựa trên giá trị theo sổ sách kế toán của doanh nghiệp ở tại thời điểm gần nhất trước khi chuyển nhượng hoặc giá trị ở hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Công thức tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần
Dựa theo quy định của Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì cách tính TNCN từ chuyển nhượng cổ phần cũng tương tự như cách tính của chuyển nhượng chứng khoán. Do đó, khi chuyển nhượng cổ phần thì cách tính thuế TNCN là:
Số tiền thuế TNCN phải nộp = Giá trị cổ phần chuyển nhượng từng lần x Thuế suất 0.1%
Trường hợp, cá nhân được nhận cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tại thời điểm nhận cổ phiếu thì chưa đóng thuế TNCN. Do đó, khi chuyển nhượng số cổ phiếu đã nhận được thì cá nhân cần phải nộp thuế TNCN từ đầu tư vốn và từ chuyển nhượng cổ phiếu.
Ví dụ cách tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần
Để hiểu hơn về cách tính tiền thuế phải nộp khi chuyển nhượng cổ phần, hãy cùng tham khảo qua 02 ví dụ sau.
a) Ví dụ 1:
Chị T là cổ đông của công ty cổ phần H. Cổ phần của chị T trong CTCP là 100.000 cổ phiếu và mỗi cổ phiếu có giá trị là 10.000 đồng. Vào 25/04/2024, chị T đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho anh M với giá chuyển nhượng là 15.000 đồng/cổ phiếu.
Chị T nhận được 100% giá chuyển nhượng là 1.500.000.000 đồng qua tài khoản ngân hàng cá nhân.
Ta có cách tính thuế như sau:
- Thời điểm để xác định thu nhập tính thuế: 25/04/2024, là ngày mà chị T và anh M ký hợp đồng chuyển nhượng;
- Thu nhập tính thuế TNCN là 100.000 cổ phiếu x 15.000 đồng = 1.500.000.000 đồng;
- Số tiền thuế TNCN chị T phải nộp = 1.500.000.000 đồng x 0.1% = 1.500.000đ.
b) Ví dụ 2:
Anh K là cổ đông của CTCP A. Anh K sở hữu 100.000 cổ phiếu và mỗi cổ phiếu có giá trị là 15.000 đồng.
- Ngày 31/12/2023, anh K đã được CTCP A chi trả cổ tức thông qua 2.000 cổ phiếu và mệnh giá mỗi cổ phiếu 10.000 đồng.
- Ngày 10/05/2024, anh K đã ký hợp đồng chuyển nhượng 2.000 cổ phiếu (mà công ty chi trả cổ tức) cho anh N. Mệnh giá chuyển nhượng là 15.000 đồng và nhận 100% giá trị qua tài khoản ngân hàng cá nhân.
- Trong tình huống này, anh K phải nộp thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần và từ đầu tư vốn.
Theo đó:
- Thời điểm để xác định thu nhập tính thuế: 10/05/2024, là hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực;
- Thu nhập tính thuế TNCN từ đầu tư vốn là 2.000 x 10.000 = 20.000.000 đồng;
- Thu nhập tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần là 2.000 x 15.000đ = 30.000.000 đồng;
- Số tiền thuế TNCN từ đầu tư vốn = 20.000.000 x 5% = 1.000.000 đồng;
- Số tiền thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần = 30.000.000 x 0.1% = 30.000 đồng.
Hồ sơ kê khai thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần
Để thực hiện kê khai thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần thì cần chuẩn đầy đủ hồ sơ như:
- Tờ kê khai theo mẫu số 4/CNV-TNCN (Đã được ban hành cùng với Thông tư 92/2015 của Bộ Tài Chính);
- Bản sao của bản gốc hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa hai bên.
Đồng thời, cá nhân nộp hồ sơ khai thuế ở nơi nộp thuế chuyển nhượng cổ phiếu. Tức, cá nhân nộp ở cơ quan quản lý doanh nghiệp đã phát hành chứng khoán và thực hiện việc chuyển nhượng. Điều này được quy định ở Khoản 6, Điều 21, Thông tư số 92/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung Khoản 5, Điều 16, Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
Thời hạn kê khai thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần
Khi thực hiện chuyển nhượng cổ phần, công ty cần phải thực hiện thủ tục nộp tờ khai thuế TNCN trong vòng 10 ngày, tính từ ngày đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP) thời điểm để hoàn thành chuyển nhượng cổ phần là:
- Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông Việt Nam: Ngày ký biên bản thanh lý hợp đồng và bàn giao cổ phần chuyển nhượng là ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.
- Chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông nước ngoài hoặc chuyển nhượng từ cổ đông nước ngoài cho cổ đông khác: Ngày mà phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận thông tin cổ đông nước ngoài cho công ty là ngày hoàn thành thủ tục chuyển nhượng.
Câu hỏi thường gặp khi tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần
Chuyển nhượng cổ phần ngang giá có phải nộp thuế TNCN không?
Nếu giá chuyển nhượng được dựa trên hợp đồng chuyển nhượng thì sẽ không phân biệt cao, thấp hoặc ngang giá mua. Do vậy, chuyển nhượng cổ phần ở CTCP vẫn phải nộp thuế TNCN theo cách tính là thu nhập tính thuế x thuế suất (0.1%).
Xác định giá chuyển nhượng chứng khoán ở công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán thế nào?
Trong trường hợp này, giá chuyển nhượng chứng khoán sẽ là giá thực hiện ở Sở Giao dịch chứng khoán. Đồng thời, giá thực hiện chính là giá chứng khoán có được từ kết quả khớp lệnh hay giá có được từ các giao dịch thỏa thuận ở Sở Giao dịch chứng khoán.
Nếu chứng khoán không được phát hành ở công ty đại chúng thì giá chuyển nhượng xác định như nào?
Nếu chứng khoán không được phát hành ở công ty đại chúng thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định dựa trên giá ghi ở hợp đồng chuyển nhượng hay giá thực tế chuyển nhượng hoặc cũng có thể là giá theo sổ sách kế toán tại thời điểm lập báo cáo tài chính trước thời điểm chuyển nhượng.
Trong bài viết này, Thuế Quang Huy đã chia sẻ về cách tính thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định hiện hành. Chúng tôi hi vọng rằng các thông tin này sẽ hữu ích cho quá trình kê khai thuế TNCN từ chuyển nhượng cổ phần nhé.
Nếu còn bất kì vướng mắc nào thì hãy liên hệ với Thuế Quang Huy qua hotline: 0917.371.518 – 0286.2553.948 nhé.