Hiện nay, chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư như miễn giảm thuế, hỗ trợ đất đai và trợ cấp tín dụng. Điều này đã tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp quốc tế.
Tính đến tháng 8/2024, đã có 110.764(1) doanh nghiệp thành lập mới trong đó có 1.816 dự án FDI(2) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 18 ngành kinh tế quốc dân.
Để xâm nhập vào thị trường Việt Nam, bước đầu tiên các nhà đầu tư cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là bước đầu tiên để đảm bảo tính hợp pháp cho dự án và tạo nền tảng cho việc triển khai kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Vậy, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì? Quy trình và thủ tục xin cấp như thế nào? Mời bạn theo dõi nội dung sau đây.
Văn bản pháp lý:
- Luật đầu tư năm 2020 – Quy định về hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài.
- Nghị định số 40/2020/NĐ-CP – Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều luật trong Luật đầu tư.
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT – Mẫu văn bản và báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Tổng quan về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Việc hiểu rõ về giấy chứng nhận đầu tư là gì rất quan trọng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tối ưu hóa quy trình đầu tư. Dưới đây là các thông tin cơ bản liên quan đến khái niệm, nội dung và thời gian hiệu lực của loại giấy chứng nhận này:
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản pháp lý dưới dạng bản giấy hoặc điện tử, ghi nhận các thông tin liên quan đến dự án đăng ký của nhà đầu tư theo Khoản 11 Điều 3 của Luật Đầu Tư 2020.
Đây là tài liệu quan trọng trong việc hợp pháp hóa quy trình thành lập công ty để triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam và cũng là cơ sở giúp cơ quan nhà nước quản lý các dự án đầu tư, kiểm soát nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn cho môi trường kinh doanh.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung gì?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm các thông tin cơ bản về dự án, bao gồm:
- Tên đầy đủ dự án.
- Thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đầu tư.
- Mã định danh.
- Địa điểm và diện tích đất sử dụng cho dự án.
- Định hướng phát triển và quy mô của dự án.
- Tổng số vốn, bao gồm vốn góp và vốn huy động.
- Thời gian dự kiến dự án sẽ hoạt động.
- Kế hoạch góp vốn và tiến độ các giai đoạn hoạt động.
- Các gói ưu đãi hỗ trợ đầu tư (nếu có).
- Các yêu cầu hoặc điều kiện cần đáp ứng để thực hiện dự án.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có hiệu lực bao lâu?
Căn cứ vào điều 44 Luật Đầu tư 2020, hiệu lực của giấy chứng nhận đầu tư được xác định dựa trên loại hình dự án và địa điểm mà dự án được triển khai:
- Đối với các dự án trong khu kinh tế: Thời hạn hoạt động không vượt quá 70 năm.
- Đối với các dự án ngoài khu kinh tế: Thời hạn tối đa không quá 50 năm.
*Lưu ý: Đối với những dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm hoặc được triển khai tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hay đặc biệt khó khăn, thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 70 năm.
Mẫu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam mới nhất
Mẫu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam mới nhất được ban hành theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT, dựa trên quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Hiện có ba mẫu chính:
- Mẫu A.II.8 (Trường hợp cấp mới): Dùng cho trường hợp cấp mới giấy chứng nhận, theo khoản 1 Điều 38 Luật Đầu tư 2020.

- Mẫu A.II.9 (Trường hợp điều chỉnh): Áp dụng khi điều chỉnh giấy chứng nhận, theo Các điều thuộc Mục 4 Chương IV Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

- Mẫu A.II.10 (Trường hợp đổi, cấp lại, hiệu đính): Dành cho việc đổi, cấp lại hoặc hiệu đính giấy chứng nhận, theo Điều 41 và Điều 127 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Trường hợp phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nhằm đảm bảo việc quản lý nguồn vốn và dự án đầu tư nước ngoài được thực hiện đúng pháp luật, theo khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần phải xin cấp trong các trường hợp sau:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức mang quốc tịch nước ngoài
- Dự án của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài:
- Khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế.
- Khi đa số thành viên hợp danh trong công ty hợp danh là cá nhân nước ngoài.
- Khi tổ chức kinh tế khác, có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, góp vốn hoặc mua cổ phần.
Hồ sơ xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một bước quan trọng trong quá trình đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư cần chú ý chuẩn bị những tài liệu khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dưới đây:

- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư nêu rõ ý kiến của nhà đầu tư về việc thực hiện dự án đầu tư, cùng cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả các chi phí và rủi ro phát sinh trong trường hợp dự án không được phê duyệt.
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc CCCD, hộ chiếu của nhà đầu tư.
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư như báo cáo tài chính trong 2 năm gần nhất, cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ hoặc tổ chức tài chính, hoặc các tài liệu khác chứng minh khả năng tài chính.
- Thông tin đề xuất dự án đầu tư: Đề xuất này cần có các nội dung chủ yếu sau:
- Tên nhà đầu tư và hình thức đầu tư
- Mục tiêu, nguồn vốn và quy mô đầu tư
- Phương án huy động vốn và địa điểm thực hiện
- Kế hoạch và thời hạn thực hiện dự án
- Hiện trạng sử dụng đất đầu tư và đề xuất nhu cầu sử dụng đất
- Ảnh hưởng và hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội của dự án
- Thẩm định sơ bộ tác động môi trường (nếu có)
- Tài liệu về quyền sử dụng đất đối với dự án không yêu cầu nhà nước giao đất hay cho thuê đất, cần cung cấp bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc tài liệu xác nhận quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
- Giải trình về công nghệ cho các dự án thuộc diện thẩm định về công nghệ, nhà đầu tư cần cung cấp nội dung giải trình về công nghệ sẽ được sử dụng trong dự án.
- Hợp đồng hợp tác thương mại (nếu có)
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư tùy theo yêu cầu và điều kiện của dự án, có thể cần thêm các tài liệu khác theo quy định pháp luật.
*Lưu ý: Nếu dự án yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhà đầu tư có thể nộp báo cáo nghiên cứu này thay cho bản đề xuất dự án.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tùy thuộc vào chủ trương đầu tư của dự án, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ khác nhau. Các trường hợp sẽ được trình bày chi tiết ở phần dưới đây.

Đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội
- Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư bao gồm các tài liệu đã được đề cập ở mục trên cho Ban Quản lý tại địa phương được triển khai.
- Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ, Ban Quản lý sẽ gửi tài liệu này đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn này, Thủ tướng sẽ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để tiến hành đánh giá dự án.
- Bước 3: Hội đồng thực hiện thẩm định và lập báo cáo bao gồm các nội dung quan trọng được quy định trong khoản 6 Điều 33 của Luật Đầu tư.
- Bước 4: Sau khi có báo cáo từ Hội đồng thẩm định, Chính phủ sẽ gửi hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội. Hồ sơ này bao gồm: tờ trình của Chính phủ, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và các tài liệu khác.
- Bước 5: Cơ quan được giao thẩm tra sẽ tiến hành xem xét các nội dung của hồ sơ đảm bảo dự án đáp ứng được các tiêu chí quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Các yếu tố cần xem xét bao gồm sự cần thiết của dự án, khu vực quy hoạch, quy mô dự án, các tác động đến kinh tế – xã hội khác.
- Bước 6: Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư. Nghị quyết này sẽ bao gồm các thông tin bắt buộc trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được đề cập bên trên và thời hạn hiệu lực của Nghị quyết.
- Bước 7: Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
- Bước 1: Nhà đầu tư cần nộp hồ sơ theo quy định đã được nêu rõ ở mục trên cho Ban Quản lý nơi dự kiến thực hiện dự án.
- Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ, Ban Quản lý sẽ gửi 2 bộ hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng thời lấy ý kiến từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến dự án, theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
- Bước 3: Các cơ quan tiến hành lấy ý kiến sẽ thẩm định và gửi phản hồi về các nội dung thuộc phạm vi quản lý cho Ban Quản lý và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đảm bảo dự án đáp ứng các điều kiện về pháp lý và các tiêu chuẩn khác.
- Bước 4: Ban Quản lý sau đó sẽ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, nếu có vấn đề liên quan đến các vấn đề như nhu cầu sử dụng đất, điều kiện giao đất, phương án giải phóng mặt bằng, và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ gửi ý kiến lên cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Bước 5: Sau khi nhận được ý kiến từ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập báo cáo thẩm định dự án. Báo cáo này sẽ bao gồm thông tin chi tiết về dự án, đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các ưu đãi về đầu tư (nếu có).
- Bước 6: Sau khi xem xét báo cáo thẩm định, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương đầu tư cho dự án. Quyết định này sẽ được gửi đến các bên liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Quản lý và nhà đầu tư.
- Bước 7: Ban Quản lý sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ.
Đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh
- Bước 1: Nhà đầu tư cần chuẩn bị và nộp hồ sơ theo quy định cho Ban Quản lý khu vực nơi dự định thực hiện dự án.
- Bước 2: Ban Quản lý gửi hồ sơ này tới các cơ quan nhà nước có liên quan để lấy ý kiến thẩm định về các nội dung đã theo quy định tại khoản 3, Điều 30 thuộc Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
- Bước 3: Cơ quan thực hiện kiểm tra nội dung trong phạm vi quản lý bao gồm cung cấp thông tin liên quan như trích lục bản đồ đất đai hoặc quy hoạch phát triển để hỗ trợ cho việc thẩm định. Sau đó gửi ý kiến thẩm định về cho Ban Quản lý trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận yêu cầu.
- Bước 4: Ban Quản lý sẽ lập báo cáo thẩm định và trình lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Báo cáo này cần chứa nội dung bao gồm thông tin về dự án, đánh giá việc đáp ứng điều kiện đầu tư đối với các ngành nghề có điều kiện, thông tin về ưu đãi đầu tư (nếu có). Thẩm định nhu cầu sử dụng đất nếu dự án có yêu cầu giao đất hoặc thuê đất.
- Bước 5: Khi nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định từ Ban Quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định chủ trương đầu tư. Nếu quyết định từ chối, họ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên, quy trình sẽ yêu cầu thêm ý kiến thẩm định từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Bước 6: Nếu chủ trương được thông qua, Ban Quản lý sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư
- Bước 1: Nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi mà nhà đầu tư dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành. Trong trường hợp dự án nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc khu kinh tế, hồ sơ có thể nộp tại Ban Quản lý khu vực đó.
- Bước 2: Sau khi nộp và hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan sẽ cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho nhà đầu tư. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chuyên viên phụ trách sẽ hướng dẫn và giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
- Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chủ đầu tư nếu dự án đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Lưu ý sau khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy phép đầu tư, để đảm bảo tuân thủ pháp luật và có thể hoạt động hợp pháp, nhà đầu tư cần thực hiện một số thủ tục và lưu ý quan trọng sau:
- Hoàn tất thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm: Đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, khắc dấu, treo bảng hiệu và khai thuế ban đầu.
- Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại ngân hàng Việt Nam để quản lý và chuyển vốn đầu tư.
- Xin giấy phép con (nếu cần) đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (tài chính, bảo hiểm, giáo dục, y tế…).
- Triển khai đầu tư theo nội dung đã đăng ký trong giấy chứng nhận đầu tư, tuân thủ tiến độ.
- Khai thuế và đăng ký hóa đơn điện tử theo quy định.
- Báo cáo định kỳ về tình hình triển khai dự án, tuân thủ quy định về giám sát đầu tư từ cơ quan nhà nước.
Như bạn có thể thấy, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề kinh doanh và quy mô đầu tư. Điều này có thể gây khó khăn cho các chủ doanh nghiệp nếu không am hiểu rõ hệ thống pháp luật Việt Nam.
Vì vậy, việc tìm đến sự hỗ trợ từ các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ xin giấy phép đầu tư là một giải pháp hiệu quả, đảm bảo tiến trình diễn ra nhanh chóng, chính xác và không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.
Thuế Quang Huy – Hỗ trợ xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhanh chóng
Thuế Quang Huy là đơn vị uy tín với hơn 13 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xin thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tự hào vào chất lượng dịch vụ mang lại cho khách hàng từ việc đã hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp tại TP. HCM cũng như các tỉnh khác trên toàn quốc.
Thuế Quang Huy hiện đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ liên quan tới đăng ký đầu tư gồm:
- Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài: Hoàn tất các thủ tục pháp lý, bao gồm xin giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài.
- Thành lập chi nhánh công ty: Đăng ký chi nhánh với Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện các thủ tục cần thiết để hoạt động theo đúng pháp luật.
- Thành lập văn phòng đại diện: Hoàn thiện hồ sơ và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký văn phòng đại diện.
- Thay đổi giấy phép kinh doanh: Thực hiện các thủ tục cần thiết để cập nhật thông tin trong giấy phép kinh doanh khi có sự thay đổi về tên công ty, ngành nghề kinh doanh hoặc địa chỉ trụ sở.
- Đăng ký mẫu con dấu: Hoàn tất thủ tục đăng ký mẫu con dấu pháp nhân tại cơ quan có thẩm quyền để xác nhận tính hợp pháp của công ty.
Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, Thuế Quang Huy cam kết cung cấp các giải pháp pháp lý toàn diện, bao gồm:
- Thủ tục được hoàn thành nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp không bị gián đoạn trong việc triển khai kế hoạch kinh doanh.
- Đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, giảm nguy cơ bị phạt và rủi ro pháp lý.
- Sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, chuyên viên có nghiệp vụ tốt với chi phí hợp lý.
- Hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định thông qua tư vấn chuyên sâu về quản lý đầu tư và quy trình pháp lý.
- Đồng hành, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng 24/7 đảm bảo sự hài lòng và hợp tác lâu dài.
Câu hỏi thường gặp về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tại sao phải xin giấy chứng nhận đầu tư?
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả cá nhân và tổ chức, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, khi thực hiện dự án tại Việt Nam. Đây là cơ sở giúp nhà nước quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư và tạo điều kiện cho các dự án đi vào hoạt động thuận lợi.
Thành lập công ty nước ngoài ở Việt Nam có cần xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?
Các công ty nước ngoài ở Việt Nam trong danh sách được quy định tại khoản 1 Điều 23, luật đầu tư 2020 phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi triển khai dự án.
Khi xin giấy phép đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có cần phải chứng minh tài chính không?
Cần thiết. Nhà đầu tư cần cung cấp văn bản xác nhận số dư tài khoản ngân hàng hoặc báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 2 năm gần nhất đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức. Nếu các tài liệu này do cơ quan nước ngoài cấp, chúng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch thuật và công chứng để đảm bảo tính hợp lệ.
Giấy chứng nhận đầu tư có phải giấy phép kinh doanh?
Không phải. Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh là hai loại giấy tờ riêng biệt. Cả hai đều khẳng định doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư đã đủ điều kiện để thành lập công ty trên lãnh thổ Việt Nam.
Có bắt buộc phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư không?
Doanh nghiệp cần điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư khi có các thay đổi về mục tiêu, quy mô dự án, vốn đầu tư, địa điểm thực hiện, thời gian hoạt động, hoặc khi chuyển nhượng dự án. Nếu không điều chỉnh khi có thay đổi, doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản pháp lý quan trọng bắt buộc các doanh nghiệp phải xin cấp trước khi thực hiện các dự án kinh doanh trong lãnh thổ Việt Nam. Hy vọng qua bài viết của Thuế Quang Huy, bạn đã hiệu được các thủ tục và tài liệu cần thiết để xin cấp loại giấy chứng nhận này theo đúng quy định pháp luật.
Nếu bạn cần hỗ trợ giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp, kế toán, thuế hãy liên hệ ngay với Thuế Quang Huy để nhận tư vấn miễn phí nhé.
*Nguồn tham khảo:
(1): https://www.mpi.gov.vn/portal/pages/solieudoanhnghiepchitiet.aspx?nam=2024&thang=8&MaTinhThanh=toanquoc
(2): https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-7-26/Tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-7-thang-nam-20igmf4h.aspx